Nợ ngắn hạn là một trong những thông tin quan trọng trong bảng cân đối kế toán và được các doanh nghiệp, nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu được hết các khoản mục đó. Hãy cùng AccNet tìm hiểu về nợ ngắn hạn là gì? Cách tính các chỉ tiêu trong nợ ngắn hạn ngay dưới bài viết này nhé.
1. Hiểu về nợ ngắn hạn là gì?
Trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thường xuất hiện khoản nợ ngắn hạn để xoay vòng vốn doanh nghiệp. Nợ ngắn hạn được định nghĩa và quy định tại thông tư 200 và chuẩn mực kế toán Việt Nam số 18.
1.1 Khái niệm về nợ ngắn hạn là gì?
Nợ ngắn hạn là các khoản nợ doanh nghiệp có trách nhiệm trả trong thời hạn không quá một năm hoặc trong một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường.
Đây là khoản nợ mà trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện vay các khoản vay để xoay vòng vốn như các khoản phải trả nhà cung cấp hàng hóa, nguyên vật liệu, khoản vay ngân hàng ngắn hạn,…
Các khoản nợ ngắn hạn thường được doanh nghiệp thanh toán bằng tài sản lưu động, thường được sử dụng hết trong vòng một năm. Tài sản lưu động bao gồm tiền mặt hoặc các khoản phải thu của khách hàng.
1.2 Ý nghĩa của nợ ngắn hạn là gì?
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nợ luôn phát sinh dù ít hay nhiều, vấn đề đặt ra doanh nghiệp cần phải quản lý tốt các khoản nợ ngắn hạn để hạn chế rủi ro thanh toán. Vậy ý nghĩa của nợ ngắn hạn là gì?
Nợ ngắn hạn thực chất nhằm bổ sung nguồn vốn cho quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải thường xuyên theo dõi nợ và đánh giá khả năng thanh toán để tối ưu hóa dòng tiền, chủ động lập kế hoạch và giải quyết nhanh chóng các vấn đề về tài chính. Khả năng thanh toán cao là một trong những điểm cộng và thu hút được nhiều nhà đầu tư.
Mặt khác, khả năng thanh khoản là tiêu chí quan trọng nhất để các ngân hàng, công ty tài chính đánh giá mức độ uy tín của doanh nghiệp trong việc vay vốn đầu tư.
2. Các khoản được xếp vào nợ ngắn hạn của doanh nghiệp là gì?
Bạn vừa tìm hiểu khái niệm và ý nghĩa của nợ ngắn hạn là gì? Trong hầu hết doanh nghiệp hiện nay, các khoản được xếp vào nợ ngắn hạn bao gồm:
- Các khoản vay ngân hàng ngắn hạn
Hầu hết các doanh nghiệp thường vay ngân hàng để bổ sung cho các khoản thiếu hụt, khoản phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh. Phụ thuộc vào mục đích sử dụng và thời hạn thanh toán của doanh nghiệp, nếu các khoản vay có thời hạn dưới một năm được xếp vào loại nợ ngắn hạn.
- Tiền lương của người lao động
Thông thường, tiền lương của người lao động sẽ được doanh nghiệp thanh toán định kỳ theo từng tháng vì thế khoản mục này được xếp vào nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. Ở đây có thể hiểu là, doanh nghiệp nợ người lao động một khoản tiền lương phải thanh toán mỗi tháng.
- Thương phiếu
Thương phiếu trong nợ ngắn hạn là gì? Thương phiếu là thuật ngữ dùng để chỉ các loại hối phiếu thương mại. Thương phiếu do công ty phát hành nhằm vay vốn trên thị trường chính trong ngắn hạn. Do đó, tổng giá trị thương phiếu doanh nghiệp đã phát hành chính là khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp.
Đi đôi với lợi ích của việc phát hành thương phiếu là nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đúng thời hạn của doanh nghiệp. Khoản thanh toán này gồm tiền gốc và tiền lãi của thương phiếu đó.
- Thuế TNDN phải nộp định kỳ
Thuế TNDN là loại thuế nhà nước đánh trực tiếp vào các thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Thuế TNDN gồm các thu nhập của doanh nghiệp đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và được nộp theo định kỳ (tháng, quý, năm). Vì vậy thuế TNDN cũng là một khoản nợ nằm trong nợ ngắn hạn.
- Các khoản ngắn hạn khác
Ngoài các khoản thuộc nợ ngắn hạn bạn vừa điểm qua, còn có các khoản khác như các hợp đồng thuê ngắn hạn, khoản chưa thanh toán cho nhà cung cấp hàng hóa, thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu, vật tư,…
3. Các tài khoản kế toán nợ ngắn hạn cần biết
Nợ ngắn hạn được thể hiện chi tiết bằng các trên bảng cân đối kế toán, các tài khoản kế toán nợ ngắn hạn là gì? Tham khảo ngay bảng bên dưới nhé.
Tên tài khoản nợ ngắn hạn | Mã số | Nội dung phản ánh | Số liệu dựa trên |
Nợ phải trả người bán ngắn hạn | 311 | Phản ánh số tiền phải thanh toán cho người bán trong thời hạn không quá 12 tháng hoặc chu kỳ kinh doanh tại thời điểm lập báo cáo | Căn cứ vào số dư Có tài khoản 311 “Phải trả cho người bán” được liệt kê chi tiết cho từng người bán |
Người mua trả tiền trước ngắn hạn | 312 | Khoản mục này phản ánh số tiền người mua đã trả trước để mua sản phẩm, dịch vụ, tài sản cố định, bất động sản đầu tư,…Doanh nghiệp có nghĩa vụ cung cấp trong vòng 12 tháng hoặc một chu kỳ sản xuất kể từ thời điểm lập báo cáo | Căn cứ vào số phát sinh Có của tài khoản 131 “Phải thu của khách hàng” được mở chi tiết cho từng khách hàng |
Thuế và các khoản phải nộp nhà nước | 313 | Tổng số tiền mà doanh nghiệp phải thanh toán cho nhà nước, gồm các khoản thuế, lệ phí và các khoản nợ khác | Dựa trên số dư Có của tài khoản 333 “Thuế và các khoản phải nộp nhà nước” |
Phải trả người lao động | 314 | Chỉ tiêu phản ánh tổng số tiền doanh nghiệp chưa thanh toán cho người lao động tại thời điểm báo cáo | Căn cứ vào số dư Có của tài khoản 334 “Phải trả người lao động” |
Chi phí phải trả ngắn hạn | 315 | Phản ánh các khoản chưa thanh toán do đã nhận hàng hoá, dịch vụ nhưng chưa có hóa đơn hay các khoản chi phí của thời điểm báo cáo chưa có đủ chứng từ, hồ sơ,… | Căn cứ vào số dư Có của tài khoản 334 “Phải trả người lao động” |
Phải trả nội bộ ngắn hạn | 316 | Là các khoản phải trả trong nội bộ doanh nghiệp có thời hạn trong vòng 12 tháng | Số liệu của bút toán này dựa trên số dư Có của các tài khoản 3362, 3363 và 3368 |
Phải trả theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng | 317 | Phản ánh chuyên lệch của tổng số tiền lũy kế khách hàng phải trả theo tiến độ thực hiện kế hoạch và tổng số doanh thu lũy kế tương ứng với phần công việc đã hoàn thành đến cuối kỳ báo cáo | Căn cứ vào của số dư Có của tài khoản 337 “Thanh toán theo tiến độ kế hoạch xây dựng” |
Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn | 318 | Phản ánh các khoản doanh thu chưa thực hiện tương ứng với phần nghĩa vụ phải thực hiện trong 12 tháng hoặc trong một kỳ sản xuất, kinh doanh | Dựa trên số dư Có tài khoản 3387 “Doanh thu chưa thực hiện |
Phải trả ngắn hạn khác | 319 | Phản ánh các khoản nợ phải trả khác của doanh nghiệp trong vòng 12 tháng hoặc trong một chu kỳ sản xuất, kinh doanh | căn cứ vào số dư Có của các tài khoản 338, 138, 334 |
Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn | 320 | Là tổng các khoản vay, nợ phải trả của một doanh nghiệp đối với ngân hàng, tổ chức, công ty tài chính với thời hạn thanh toán trong vòng 12 tháng | Dựa trên số dư Có của tài khoản 341 |
Dự phòng phải trả ngắn hạn | 321 | Phản ánh các khoản dự phòng cho các khoản phải trả trong vòng 12 tháng hoặc trong một chu kỳ sản xuất, kinh doanh. Ví dụ như dự phòng sửa chữa tài sản cố định, dự phòng tái cơ cấu doanh nghiệp,… | Căn cứ trên số dư có tài khoản 352 “Dự phòng phải trả” |
Quỹ khen thưởng, phúc lợi | 322 | Phản ánh các quỹ khen thưởng, phúc lợi chưa sử dụng tại thời điểm báo cáo | dựa vào số dư Có của tài khoản 353 “Quỹ khen thưởng, phúc lợi” |
Quỹ bình ổn giá | 323 | Phản ánh tổng quỹ bình ổn giá hiện có tại thời điểm báo cáo | căn cứ vào tài khoản 357 “Quỹ bình ổn giá” |
Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ | 324 | Phản ánh tổng giá trị trái phiếu Chính phủ của người bán chưa kết thúc thời hạn của hợp đồng mua bán tại thời điểm báo cáo | Căn cứ vào số dư Có của tài khoản 171 “Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ” |
4. Nợ ngắn hạn tăng giảm có ý nghĩa gì?
Bạn đã rõ ý nghĩa của nợ ngắn hạn là gì, nó phản ánh tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Vậy nợ ngắn hạn tăng hay giảm thể hiện điều gì?
4.1 Nợ ngắn hạn tăng
Khi nợ ngắn hạn tăng thể hiện:
- Nợ ngắn hạn phải trả nhà cung cấp tăng: Thể hiện uy tín và mối quan hệ của doanh nghiệp đối với các đối tác tốt.
- Thuế và khoản phí phải nộp cho nhà nước tăng mạnh: Các khoản thuế nộp dựa vào doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Khoản này tăng lên cho thấy thu nhập của công ty đang tăng, là một dấu hiệu kinh doanh tốt.
- Phải trả cho người lao động tăng: Khoản mục này tăng biểu hiện của sự mở rộng quy mô, tăng nhân lực của doanh nghiệp. Nếu mức tăng không quá lớn, không tương ứng với doanh thu có thể tình hình tài chính đang gặp vấn đề.
- Vay và nợ thuê tài chính tăng: Khi khoản này tăng thể hiện sự mở rộng quy mô, khai thác lĩnh vực kinh doanh mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải chú ý nếu khoản vay và nợ thuê tài chính quá lớn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.
4.2 Nợ ngắn hạn giảm
Khi nợ ngắn hạn giảm thể hiện:
- Doanh nghiệp phải thanh toán khoản tiền khi mua hàng: Có thể thấy lòng tin và mối quan hệ giữa doanh nghiệp và đối tác không tốt. Doanh nghiệp không được chấp nhận thanh toán chậm.
- Thuế và các khoản thanh toán Chính phủ giảm: Có thể hiểu là doanh nghiệp đang hoạt động không tốt, không hiệu quả nên thuế phải nộp nhà nước giảm.
- Khoản trả người lao động giảm: Thể hiện sự cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh.
- Các khoản vay và nợ thuê tài chính giảm: Doanh nghiệp tăng trưởng chậm và có thể là dấu hiệu của sự suy thoái, quy mô sản xuất kinh doanh không được mở rộng.
>>> Giải pháp kế toán hiệu quả: Phần mềm kế toán tốt nhất hiện nay (thuế, tài chính) cho doanh nghiệp nhỏ |
5. Cách tính nợ ngắn hạn là gì?
Việc tính toán nợ ngắn hạn rất quan trọng và cần thiết đối với người sử dụng bảng báo cáo tài chính từ kế toán, nhà quản trị đến nhà đầu tư. Vì khoản nợ ngắn hạn đem đến một góc nhìn tổng thể về tài chính và khả năng thanh khoản của doanh nghiệp đó. Cách tính cụ thể như sau:
Cách xác định hệ số thanh toán hiện thời:
Hệ số thanh toán hiện thời = Tài sản lưu động / Nợ ngắn hạn.
Cách xác định hệ số thanh toán nhanh nợ ngắn hạn:
Hệ số thanh toán nhanh = Tổng tiền và chứng khoán ngắn hạn / Khoản nợ ngắn hạn.
Trong đó:
Tổng tiền và chứng khoán ngắn hạn = Tài sản lưu động – Hàng tồn kho.
6. Hướng dẫn cách xem nợ ngắn hạn trên báo cáo tài chính
Chắc hẳn bạn cũng nắm được ý nghĩa của nợ ngắn hạn là gì và nó đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh tình hình tài chính cũng như các vấn đề về tài chính mà doanh nghiệp đang gặp phải. Vì thế, bạn cần biết cách xem mục nợ ngắn hạn trên báo cáo tài chính để kiểm tra, đối chiếu và đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn.
Các khoản mục trong nợ ngắn hạn được trình bày chi tiết tại phần “Nợ phải trả” trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. “Nợ phải trả” thể hiện tổng số nợ mà doanh nghiệp phải thanh toán.
Doanh nghiệp có thể tìm và xem chi tiết các khoản nợ ngắn hạn ở các chỉ tiêu từ 311 đến 324. Từ đó có thể đánh giá doanh nghiệp qua góc độ tài chính.
Nợ ngắn hạn có vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. AccNet vừa chia sẻ bạn những thông tin về nợ ngắn hạn là gì? Cách xem, cách tính nợ ngắn hạn trên báo cáo tài chính doanh nghiệp. Theo dõi AccNet để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về kế toán.