Bạn đã bao giờ loay hoay trong vấn đề công thức tính giá thành sản phẩm chưa? Bạn chưa thật sự nắm rõ quy trình thực hiện và không biết lựa chọn cách tính giá thành nào phù hợp khi có quá nhiều phương pháp. Bài viết này AccNet sẽ hướng dẫn bạn các bước thực hiện tính giá thành trong từng trường hợp cụ thể. Theo dõi bài viết nhé.
1. Hiểu về giá thành sản phẩm là gì?
Để tìm hiểu phương pháp tính giá thành sản phẩm trước tiên cùng sơ lược các nội dung cơ bản về giá thành sản phẩm nhé.
1.1 Giá thành sản phẩm là gì?
Giá thành sản phẩm là biểu hiện giá trị bằng tiền của tất cả các chi phí mà công ty sẵn sàng bỏ ra để sản xuất một số lượng thành phẩm nhất định.
Một điều cần lưu ý, giá thành sản phẩm chỉ bao gồm các phí sản xuất ra sản phẩm đó, ngoài ra các chi phí khác như chi phí marketing, chi phí bán hàng,...thì không được tính vào giá thành sản phẩm.
1.2 Ý nghĩa của giá thành sản phẩm
Giá thành sản phẩm là yếu tố quan trọng phản ánh chi phí đầu vào, doanh nghiệp căn cứ vào đó để xác định giá bán và lợi nhuận cũng như hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, giá thành sản phẩm là căn cứ để doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ về thuế và tài chính đối với nhà nước.
1.3 Các yếu tố quyết định giá thành sản phẩm
Thông thường, để áp dụng công thức tính giá thành sản phẩm cần căn cứ vào các yếu tố sau:
- Đặc điểm của quy trình sản xuất (đơn giản hay phức tạp).
- Công nghệ được sử dụng để sản xuất sản phẩm.
- Đặc tính sử dụng của thành phẩm, bán thành phẩm.
- Năng lực và trình độ kế toán.
- Các thông tin cho việc ra quyết định kinh doanh.
2. Các bước tính giá thành sản phẩm thực hiện như thế nào?
Công thức tính giá thành sản phẩm là một nghiệp vụ khá quan trọng trong kế toán, nó quyết định giá bán và lãi lỗ của thành phẩm. Quy trình thực hiện tính giá thành gồm 7 bước cơ bản:
Bước 1: Thực hiện tổng hợp các chi phí sản xuất
Để tính được giá thành sản phẩm trước tiên phải tổng hợp lại toàn bộ chi phí sản xuất một cách đầy đủ và chính xác, sau đó phân loại các chi phí vào từng khoản mục tương ứng. Thông thường, chi phí sản xuất được chia thành 3 khoản mục chính:
- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp
- Chi phí nhân công trực tiếp
- Chi phí sản xuất chung
Bước 2: Phân bổ các chi phí
Trong trường hợp một khoản chi phí nhưng sử dụng cho nhiều loại sản phẩm, do đó kế toán phải thực hiện phân bổ chi phí để có thể tính giá thành cho từng loại sản phẩm.
Bước 3: Lựa chọn phương pháp tính giá thành sản phẩm phù hợp
Giá thành sản phẩm là yếu tố quyết định giá bán và lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì thế doanh nghiệp cần phải cân nhắc lựa chọn phương pháp tính giá thành phù hợp nhất, phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp và cơ cấu sản xuất. Một số phương pháp tính giá thành phổ biến được nhiều doanh nghiệp áp dụng:
- Phương pháp trực tiếp (giản đơn)
- Phương pháp theo đơn đặt hàng
- Phương pháp loại trừ sản phẩm phụ
- Phương pháp tỷ lệ
- Phương pháp hệ số
- Phương pháp phân bước
Bước 4: Xác định số lượng thành phẩm và số lượng sản phẩm dở dang cuối kỳ
Kế toán tiến hành xác định số lượng thành phẩm và số lượng sản phẩm dở dang, do cuối kỳ kế toán có sản phẩm dở dang nên kế toán phải ghi nhận số lượng cũng như mức độ hoàn thành của sản phẩm dở dang. Để lấy số liệu sản phẩm dở dang kế toán có thể tự thống kê hoặc liên hệ bộ phận sản xuất để được cung cấp.
Bước 5: Đánh giá và xác định trị giá sản phẩm dở dang cuối kỳ
Sau khi đã xác định được số lượng sản phẩm dở dang cuối kỳ ở bước trên, kế toán thực hiện công việc xác định giá trị của sản phẩm dở dang cuối kỳ để tính giá thành sản phẩm. Có 3 phương pháp đánh giá sản phẩm dở dang cho doanh nghiệp lựa chọn:
- Xác định theo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp
- Xác định theo sản phẩm hoàn thành tương ứng
- Xác định theo chi phí sản xuất định mức
Bước 6: Tính toán giá trị của thành phẩm
Kế toán tính toán giá trị của thành phẩm theo công thức sau:
Trị giá thành phẩm = Trị giá 154 đầu kỳ + Trị giá 154 phat sinh trong kỳ – Trị giá 154 cuối kỳ – Phế liệu thu hồi – Sản phẩm phụ – Phế phẩm.
Trong đó: 154 là “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang”
Bước 7: Tính giá thành và kết thúc quy trình tính giá thành
Kế toán lập bảng tính giá thành sản phẩm cho từng loại sản phẩm và kết thúc nghiệp vụ tính giá thành.
3. Phương pháp tính giá thành sản phẩm cho từng trường hợp cụ thể
Giá thành sản phẩm để doanh nghiệp xác định giá bán cũng như lợi nhuận của sản phẩm. Vì vậy, để đạt được lợi nhuận kinh tế cao, các nhà quản lý cần phải tính toán và lựa chọn phương pháp tính giá thành phù hợp với loại hình và cơ cấu doanh nghiệp.
3.1 Cách tính giá thành theo phương pháp trực tiếp
Phương pháp tính giá thành sản phẩm trực tiếp hay còn gọi là phương pháp giản đơn, thưởng được áp dụng bởi những doanh nghiệp có quy mô sản xuất đơn giản.
Đặc điểm doanh nghiệp:
- Các công ty có công nghệ sản xuất khép kín kỹ thuật.
- Các doanh nghiệp ít mặt hàng, sản xuất số lượng lớn.
- Doanh nghiệp có chu kỳ sản xuất ngắn (nhà máy điện, nhà máy nước, các công ty khai thác,...).
Công thức:
Tổng chi phí sản xuất = Tổng chi phí sản xuất dở dang đầu kỳ + Tổng chi phí sản xuất trong kỳ – Tổng chi phí sản xuất dở dang cuối kỳ.
3.2 Cách tính giá thành sản phẩm theo định mức
Phương pháp tính giá thành sản phẩm theo định mức thường được sử dụng cho các doanh nghiệp có quy trình sản xuất ổn định. Khi áp dụng phương pháp này, doanh nghiệp cần phải thiết lập và quản lý định mức sản phẩm cũng như trình độ tổ chức. Kế toán viên thường xuyên theo dõi và kiểm tra định mức kỹ thuật kinh tế để hạn chế phát sinh thêm chi phí vượt định mức.
Công thức:
Giá thành sản phẩm thực tế = Giá thành kế hoạch (định mức) cho từng loại sản phẩm x tỷ lệ chi phí (%).
Tỷ lệ chi phí (%) = (Tổng giá thành sản xuất thực tế của các loại sản phẩm / Tổng giá thành sản xuất sản phẩm kế hoạch (định mức)) x 100.
3.3 Tính giá thành theo phương pháp loại trừ sản phẩm phụ
Phương pháp tính giá thành loại bỏ sản phẩm phụ thường được sử dụng bởi các doanh nghiệp trong cùng một quá trình sản xuất vừa thu được sản phẩm chính vừa thu được sản phẩm phụ. Chẳng hạn như ngành: sản xuất dầu, sản xuất gỗ,...
Khi tính giá thành sản phẩm theo phương pháp loại trừ sản phẩm phụ kế toán cần phải loại trừ giá trị của sản phẩm phụ trong tổng chi phí sản xuất sản phẩm để ra được giá trị của sản phẩm chính.
Giá trị sản phẩm phụ có thể được xác định bằng: Giá ước tính, giá kế hoạch ban đầu, giá nguyên vật liệu.
Công thức:
Tổng giá thành sản phẩm chính = Sản phẩm dở dang đầu kỳ + Tổng giá thành đầu kỳ – Giá trị sản phẩm thu hồi ước tính – Giá trị sản phẩm chính dở dang cuối kỳ.
3.4 Trường hợp theo đơn đặt hàng
Phương pháp đơn đặt hàng thường được áp dụng bởi các doanh nghiệp thực hiện sản xuất đơn chiếc hoặc sản xuất hàng loạt theo đơn đặt hàng. Điểm đặc biệt của phương pháp này chính là doanh nghiệp sẽ quyết định và tính giá thành sản phẩm cho từng đơn đặt hàng, do đó hạch toán chi phí phải được tính toán chi tiết cho từng đơn đặt hàng.
Công thức:
Giá thành cho từng đơn đặt hàng = Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp + Chi phí nhân công trực tiếp + Chi phí sản xuất chung phát sinh cho đơn hàng.
3.5 Tính giá thành theo phương pháp hệ số
Đây là một phương pháp được nhiều doanh nghiệp sử dụng để tính giá thành sản phẩm. Phương pháp này thường được sử dụng cho các doanh nghiệp sử dụng cùng một nguyên vật liệu và lao động trong suốt quá trình sản xuất, tuy nhiên lại sản xuất ra đồng thời nhiều loại sản phẩm khác nhau. Chi phí được tổng hợp chung trong toàn bộ quá trình sản xuất. Ví dụ một số lĩnh vực sản xuất như: Quần áo, cơ khí, điện máy, hóa chất, chăn nuôi,...
Công thức:
Giá thành sản phẩm tiêu chuẩn = Tổng giá thành của tất cả các loại sản phẩm / Tổng số lượng sản phẩm
Trong đó:
Tổng số lượng sản phẩm = Số lượng sản phẩm từng loại x hệ số quy đổi từng loại.
(Hệ số quy đổi khác nhau cho từng loại sản phẩm, hệ số quy đổi tiêu chuẩn là 1)
Tổng giá thành sản xuất tất cả các loại sản phẩm = Số lượng sản phẩm tiêu chuẩn x Giá thành sản phẩm tiêu chuẩn.
3.6 Phương pháp tính phân bước
Phương pháp tính giá thành phân bước thường sử dụng cho các doanh nghiệp cung cấp bán thành phẩm ra ngoài hoặc các doanh nghiệp có nhu cầu hạch toán nội bộ cao giữa các giai đoạn công nghệ.
Để áp dụng phương pháp phân bước, doanh nghiệp phải có quy trình gồm nhiều bộ phận phức tạp và trải qua nhiều giai đoạn công nghệ.
Công thức:
Giá thành thành phẩm trong kỳ = Giá thành sản phẩm giai đoạn 1 + Giá thành sản phẩm giai đoạn 2 + … + Giá thành sản phẩm giai đoạn n.
AccNet vừa chia sẻ cho bạn các thông tin liên quan đến các bước tính giá thành sản phẩm. Hy vọng với bài viết trên bạn sẽ biết cách lựa chọn phương pháp tính giá thành phù hợp với doanh nghiệp bạn. Doanh nghiệp nên tham khảo, tìm hiểu và sử dụng tích hợp các phần mềm kế toán để hỗ trợ các nghiệp vụ kế toán nhanh chóng, chính xác nhất.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
- CÔNG TY CỔ PHẦN TIN HỌC LẠC VIỆT
- 🏢 Trụ sở chính: 23 Nguyễn Thị huỳnh, Phường 8, Quận Phú Nhuận, TP.HCM
- ☎️ Hotline: 0901 555 063 | (+84.28) 3842 3333
- 📧 Email: info@lacviet.com.vn
- 🌐 Website: https://accnet.vn/